Cậu học trò khuyết tật xứ Nghệ thi đỗ 2 trường ĐH

Thứ hai, 23/09/2013, 14:00 GMT+7
  • Chia sẻ tin này qua :
  • Chia sẻ qua Facebook
  • Chia sẻ qua Google+
  • Chia sẻ qua Twitter

Hồi nhỏ, do không may bị tai nạn giao thông, em Trịnh Đức Đại buộc phải cắt bỏ đi một bên chân. Nỗ lực vượt khó, kỳ thi ĐH vừa qua, cậu học trò xứ Nghệ đỗ cả 2 trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Gặp Đại tại khu ký túc nam B3 Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ấn tượng đầu tiên của tôi về em là một chàng trai nhỏ nhắn với khuôn mặt sáng sủa, cùng những bước đi vững chắc bên chiếc nạng gỗ.

Ngồi trò chuyện trên chiếc giường một trong phòng ký túc xá, được biết, ngày nhập học, các bạn cùng phòng đã ưu tiên cho Đại ở giường tầng một để thuận tiện cho việc sinh hoạt.

Cậu học trò khuyết tật xứ Nghệ thi đỗ 2 trường ĐH
Kỳ thi ĐH vừa qua, Trịnh Đức Đại đỗ cả 2 trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Được biết, Đại là con lớn trong một gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn ở phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), bố em làm thợ xây, mẹ vì sức khỏe yếu nên ở nhà nội trợ, tuổi thơ của em cũng êm đềm như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, vào buổi tối rằm tháng giêng năm 2007 (khi Đại học lớp 6), tai họa tự dưng ập xuống cậu học trò bé nhỏ. Khi đó, Đại được bố chở sang nhà người họ hàng chơi thì bất ngờ bị một chiếc xe ô tô đi cùng đường do người say rượu điều khiển đâm vào.

Dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng do vụ va chạm quá mạnh, bị đứt mạch chủ chân trái, cộng với việc nhiễm trùng nặng, Đại buộc phải cắt đi một bên chân của mình.
 
“Lúc đó em cảm thấy rất sợ hãi và chỉ biết khóc, chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ trở nên như vậy. Sau khi cắt bỏ một bên chân, nhiều lúc em cảm thấy rất buồn, chán nản, nhưng được sự động viên của gia đình, thầy cô và bạn bè, em đã vượt qua được thời điểm khó khăn đó” - Đại tâm sự.

Bỏ dở 1 kỳ học để nghỉ ngơi, ổn định lại sức khỏe, bước sang năm học lớp 7, nhằm tránh việc hổng kiến thức, Đại rất chịu khó đi học lại chương trình lớp 6. Lúc này, việc đi lại hết sức khó khăn, ngày ngày Đạt được bố chở đến trường trên chiếc xe đạp cũ.

Dù di chuyển, đi lại khá khó khăn bên chiếc nạng gỗ nhưng trên khuôn mặt Đại luôn toát lên sự lạc quan cùng niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, bên cạnh đó, em còn có một tinh thần ham học rất lớn. Chính vì vậy mà suốt 12 năm học, cậu học trò khuyết tật đều đạt thành tích cao và luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Ngoài ra, do yêu thích môn Hóa học mà số điểm Đại đạt được ở bộ môn này đều trên 9 phẩy.

Đặc biệt, trong kỳ thi ĐH vừa qua, Đại đã khiến mọi người khâm phục khi thi đỗ cả 2 trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) khoa Công nghệ thông tin với điểm số 25 (Toán 7,75; Lý 7,5 và Hóa 9,75) và Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội khoa Công nghệ sinh học với 21 điểm (Toán và Hóa đạt 9 điểm, Sinh 3,25 điểm).

Cậu học trò khuyết tật xứ Nghệ thi đỗ 2 trường ĐH
Do việc cắt bỏ một bên chân mà giờ đây, vào những ngày mưa gió, Đại phải chịu rất nhiều cơn đau nhức.
 
Để đạt được những thành tích học tập tốt như vậy, Đại cho rằng, điều quan trọng là trên lớp chú ý nghe giảng và ghi lại các ý chính hay những công thức quan trọng vào một quyển sổ tay nhỏ. Ngoài ra, phải làm thật nhiều bài tập tham khảo, riêng các phần kiến thức còn thiếu hay chưa nắm vững, cần dành thời gian ôn luyện lại. Đối với môn Hóa học, do có nhiều công thức khó nhớ thì nên viết ra những tờ giấy nhỏ và dán vào giá sách để mỗi lần nhìn lại là một lần nhớ.
 

Yêu thích tin học cùng sự định hướng của gia đình, Đại đã lựa chọn việc theo học khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), và ở trọ trong khu ký túc của trường. Giờ đây, sống xa gia đình, thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, Đại sẽ phải học cách tự lập về việc đi lại cũng như mọi hoạt động sinh hoạt khác.

Cậu tân sinh viên Trịnh Đức Đại có ước mơ trở thành một lập trình viên thật giỏi để có thể tự mình thành lập những công ty chuyên thiết kế phần mềm. Để có thể đạt được ước mơ đó, trước mắt Đại sẽ cố gắng hòa nhập với môi trường mới và nỗ lực hết mình để đạt thành tích cao trong các kỳ học tới.

Ý kiến của bạn