Chuyên gia tư vấn: 'Thí sinh nên chọn tổ hợp điểm cao nhất để xét tuyển'

Thứ hai, 03/08/2015, 10:18 GMT+7
  • Chia sẻ tin này qua :
  • Chia sẻ qua Facebook
  • Chia sẻ qua Google+
  • Chia sẻ qua Twitter

Có thể dùng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển cùng một ngành không? Chọn ngành như thế nào dễ đậu? Có nên đăng ký hết cả 4 nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên?... là những thắc mắc được các chuyên gia giải đáp trong ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra ngày 1/8 ở TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM - cho biết, năm nay lượng thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia rất đông nhưng chỉ có 530.000 em được xét tuyển ĐH vì đạt được điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Trong khi đó các trường ĐH có hơn 630.000 chỉ tiêu và hiện có khoảng 400.000 thí sinh có thể dùng học bạ đăng ký xét tuyển nên các em cần phải cân nhắc kỹ trước khi chọn lựa ngành, trường.

Tiến sĩ Nghĩa cũng lưu ý thí sinh có thể nộp hồ sơ bằng nhiều cách nhưng an toàn nhất là đến trực tiếp tại trường. Đối với những bạn ở xa thì không nên bỏ hồ sơ và lệ phí chung vào bưu phẩm rồi gửi đi bằng đường bưu điện. "Thí sinh nên đến bưu điện nhờ chuyển fax nhanh chứ không nên gửi bằng bưu phẩm vì sẽ dễ bị mất hồ sơ", tiến sĩ Nghĩa khuyến cáo.

Các chuyên gia tư vấn cho thí sinh và phụ huynh về việc nộp hồ sơ xét tuyển. Ảnh: Nguyễn Loan

Có thể cùng lúc dùng 2-3 tổ hợp để xét tuyển vào một ngành không?

Trả lời câu hỏi này PGS. TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng vụ ĐH Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, trước khi chọn lựa ngành nào thí sinh cần cân nhắc kỹ đến sở thích, sau đó đến khả năng trúng tuyển. Một ngành, thí sinh có thể dùng 2-3 tổ hợp để xét tuyển. Tuy nhiên, một tổ hợp như vậy tương đương với một nguyện vọng. Thí sinh có 4 nguyện vọng ở đợt đầu tiên. Nếu dùng 2-3 tổ hợp vào một ngành tức là các em đã đầu tư vào đó 2-3 nguyện vọng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nêu thêm một ngành có thể xét tuyển nhiều tổ hợp nhưng thí sinh nên chọn tổ hợp điểm cao nhất.

Trong phiếu đăng ký xét tuyển có 4 nguyện vọng, nếu thí sinh chỉ đăng ký một thì đánh chéo các ngành còn lại. Trúng tuyển bất cứ ngành nào thí sinh sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc, không ghi nguyện vọng cho có lệ để đủ cả bốn.

Còn PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TP HCM lưu ý trong thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 thí sinh có thể rút và nộp hồ sơ bao nhiêu lần cũng được. Tuy nhiên thí sinh không nên vội nộp hồ sơ xét tuyển ngay từ bây giờ. Bởi tất cả hồ sơ xét tuyển trong thời gian từ ngày 1 đến 20/8 đều có giá trị xét tuyển như nhau, không phải thí sinh nộp trước sẽ được ưu tiên.

Một phụ huynh khác hỏi về việc con mình đã làm đơn phúc khảo vậy có phải chờ đến khi có kết quả mới nộp hồ sơ xét tuyển hay nộp luôn bây giờ.Nếu không muốn phúc khảo nữa thì rút lại được không.

Vụ trưởng Kim Phụng cho biết với điểm thi đã có, thí sinh cứ nộp hồ sơ xét tuyển, sau này kết quả có thay đổi thì nộp bổ sung. Bởi hiện nay các trường xét tuyển dựa vào giấy chứng nhận kết quả, không cần phải chờ kết quả phúc khảo.

Trao đổi với ban tư vấn, một phụ huynh không cầm được nước mắt cho biết, kỳ thi vừa rồi con trai bà đạt điểm thi khá cao, tuy nhiên chỉ xếp hạnh kiểm trung bình vì năm học lớp 10 cậu này gây chuyện với bạn. Khi đọc quy chế tuyển sinh, ngoài việc xét tuyển dựa trên điểm thi nhiều trường còn yêu cầu thí sinh phải có hạnh kiểm khá trở lên nên hai mẹ con bà rất lo lắng.

Trấn an tinh thần phụ huynh, TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM chia sẻ đối với lứa tuổi của các em học sinh việc gây gổ, đánh nhau không phải là vấn đề lớn. Đúng là trong quy chế tuyển sinh của nhiều trường có yêu cầu mức hạnh kiểm khá tuy nhiên một số nơi như trường thành viên của ĐH Quốc gia TP HCM chỉ xét hạnh kiểm học kỳ I của năm lớp 12 chứ không phải 3 năm học phổ thông. Vì vậy, thí sinh có thể an tâm.

"Phiếu đăng ký xét tuyển có mục điều chỉnh ưu tiên, vậy có phải nộp thêm gì không ?", một thí sinh thắc mắc.

TS Lê Chí Thông - Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa TP HCM - cho biết, khi điều chỉnh lại cần nộp những giấy tờ chứng minh. Đối với khu vực ưu tiên, thí sinh cần ghi rõ địa chỉ hộ khẩu và ba năm học THPT. Do vậy, thí sinh có thể đánh dấu điều chỉnh khu vực ưu tiên và phải kèm theo các giấy tờ.

Có mặt tại buổi tư vấn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, đây là năm đầu tiên thực hiện phương thức xét tuyển mới nên chắc chắn không ít thí sinh bỡ ngỡ, lúng túng. Do vậy, thí sinh cần nắm vững cách thức làm và nộp hồ sơ xét tuyển, quy trình xét tuyển, cách thức tìm kiếm thông tin của các trường để so sánh, lựa chọn ngành nghề phù hợp… Đặc biệt, thí sinh cần phải cân nhắc tới số điểm của mình nên nộp vào ngành nào, trường nào vừa sức để có cơ hội trúng tuyển ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên, tránh vất vả khi phải rút hồ sơ nhiều lần.

"Quy chế năm nay có nhiều lợi thế cho thí sinh, giúp các em tránh được những rủi ro khi xét tuyển. Tuy nhiên, để tận dụng được những lợi thế đó, các em cần thông tin nộp hồ sơ xét tuyển phù hợp. Có nhiều lựa chọn, nên các em hãy bình tĩnh, tự tin chọn ngành, chọn trường phù hợp với sở trường của mình", Thứ trưởng khuyến cáo.

Ý kiến của bạn