15 triệu học sinh bước vào năm học mới

Thứ hai, 07/09/2015, 13:59 GMT+7
  • Chia sẻ tin này qua :
  • Chia sẻ qua Facebook
  • Chia sẻ qua Google+
  • Chia sẻ qua Twitter

Lễ khai giảng chỉ trong một tiếng, song chứa đựng nhiều cảm xúc với cả nụ cười, tràng pháo tay giòn giã đón chào học sinh lớp 1 và nước mắt khi nhắc tới công ơn sinh thành của cha mẹ.

Sáng 5/9, các trường phổ thông trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng, bắt đầu năm học 2015-2016.

Hà Nội trời nắng nhẹ, mát mẻ và không mưa, rất thuận lợi cho một lễ khai giảng ở sân trường. Từ sáng sớm các ngả đường đã đông đúc học sinh mặc đồng phục tự đạp xe, hoặc ngồi sau xe người thân. Đúng 7h30, lễ khai giảng bắt đầu với nghi thức chào cờ, hát Quốc ca và đọc thư của Chủ tịch nước. Phần phát biểu của thầy hiệu trưởng và các vị khách diễn ra ngắn gọn hơn mọi năm.

 

 

Là trường phổ thông dân lập lâu đời nhất Hà Nội, lễ khai giảng của trường Lương Thế Vinh ngập tràn sắc cờ đỏ sao vàng. Thầy hiệu trưởng Văn Như Cương tâm sự, năm nay đã 79 tuổi, nhìn lại những gì đã qua, thầy hiểu điều mình học trong trường không phải toàn là "bảo bối", "cẩm nang thần diệu" và lấy làm tiếc đã không tranh thủ học nhiều hơn những bài học bổ ích vốn không nằm trong sách giáo khoa.

Với tư cách một người nhiều tuổi nghề, tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ học sinh rằng, biển học là mênh mông, sách vở tuy quan trọng nhưng chỉ là "vùng biển gần bờ mà thôi". "Nền giáo dục của chúng ta bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, học sinh muốn thành đạt thì ngoài sách vở phải thạo các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để phát triển toàn diện", thầy nói.

thaycuong.jpg

Thầy Văn Như Cương cùng toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh trường Lương Thế Vinh hát Quốc ca. Ảnh: H.T.

Để lễ khai giảng trở thành dấu ấn đẹp, trường Tiểu học - THPT Nguyễn Siêu thuê địa điểm ở Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình và mời tất cả phụ huynh tham gia. Trong phần chào đón học sinh đầu cấp (lớp 1, 6, 10), các anh chị lớp lớn dẫn dắt các em vào ‎hàng ngũ. 

Sau phần lễ ngắn gọn, phần hội với chủ đề "Mùa thu - mùa xây những ước mơ" do học sinh dàn dựng mang đến những trải nghiệm mới mẻ. Khán giả bất ngờ với buổi chầu đầu năm của Táo với Ngọc Hoàng trên thiên đình. Táo xanh, Táo Hội nhập, Táo Thi đua tung hứng hài hước cùng tài năng kịch nghệ của Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thiên Lôi. Các em khối 8 còn tái hiện một số hoạt động như làm nông dân, công nhân, đầu bếp.

vip.jpg

Lễ khai giảng với chủ đề "Bảo vệ động vật hoang dã" của trường quốc tế VIP (Hà Nội). Ảnh: Lê Bích.

Tại trường Tiểu học Việt Hưng (Long Biên), các thầy cô bày bánh kẹo, cho các em nhảy Gangnam Style. 

Trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc Hà Nội đón học sinh đầu cấp bằng hình ảnh con tàu, biểu tượng cho sức mạnh của tri thức, sự gắn kết và tình yêu thương. Đồng hành với các em trên con tàu là những thầy cô giàu tâm huyết. 

videoa.jpg

Hai bạn nhỏ trường Tiểu học Việt Hưng (Hà Nội) nhảy Gangnam Style trong tiếng vỗ tay tán thưởng của phụ huynh và các bạn. Ảnh: Lê Thông.

Chia sẻ về ngày hội trường, Nguyễn Yến Nhi (lớp 10 THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) hào hứng: "Đây là năm đầu tiên em trở thành học sinh trường Ams, ngôi trường mơ ước từ bé. Trước khi đến trường em rất hồi hộp, khi được tham gia lễ khai giảng thì lại bất ngờ với không khí sôi động, gần gũi".

Nguyễn Phương Linh (lớp 12 Nga) và Lê Hà Thu (lớp 10 Hóa) thích thú với lễ khai giảng “ngắn nhất trong lịch sử đến trường” của mình. “Năm nay khai giảng chỉ trong một tiếng, nhưng đọng lại được nhiều cảm xúc. Học sinh không phải ngồi nắng lâu, cô và trò có thêm thời gian trò chuyện, vui đùa”, Linh nói.

khaigianga.jpg

Nữ sinh Amsterdam trong nắng mới khai trường. Hà Nội năm nay có 1,7 triệu học sinh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bên cạnh niềm vui, Phương Linh có chút tiếc nuối và hồi hộp khi sắp đối mặt với những bước ngoặt lớn của cuộc đời. “Em mong bản thân và các bạn cùng độ tuổi sẽ gặp may mắn trong các kỳ thi. Tuy khá lo lắng với phương thức thi THPT quốc gia, nhưng em tin rằng các thầy cô sẽ dìu dắt chúng em để vượt qua khó khăn”, nữ sinh lớp 12 dự định thi vào Đại học Ngoại thương chia sẻ.

Trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) đón Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận tới thăm. Dặn dò học sinh hãy ghi nhớ lời Chủ tịch nước chăm chỉ học tập, rèn luyện, Bộ trưởng cũng chúc các thầy cô - những người chèo đò sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh "trồng người".

ongluan_1441429000.jpg

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: H.T.

Khác với Hà Nội, lễ khai giảng của hơn 1,5 triệu học sinh TP HCM diễn ra dưới thời tiết nắng nóng. Trong tà áo dài tinh khôi, hàng trăm nữ sinh vội vã đến trường từ sáng sớm để tránh kẹt xe và nắng gắt.

Trường THPT Nhân Việt đón bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Cách dự khai giảng. Buổi lễ bắt đầu bằng tiết mục song ca Tổ quốc nhìn từ biển và hoạt cảnh về tình mẹ do thầy giáo và học sinh biểu diễn.Hoạt cảnh có hình ảnh người mẹ thức khuya vá áo, bịn rịn nước mắt tiễn con ra trận, mong ngóng tin con…

Hà Thị Phương Linh (lớp 12A1) vừa khóc vừa ôm chầm lấy mẹ sau khi xem hoạt cảnh. Từ nhỏ Linh thường bất đồng với mẹ vì mẹ không chiều theo những sở thích của em. Đỉnh điểm là lúc Linh lấy ổ khóa ném vào mẹ, bỏ nhà đi vì bị la mắng trước mặt bạn. Đến khi bạn bè cô lập, em mới nhận ra và biết trân trọng tình thương của mẹ dành cho mình.

Câu chuyện của mẹ con Linh khiến nhiều phụ huynh và học sinh không cầm được nước mắt. Đầu năm học mới, Linh thay mặt học sinh toàn trường hứa sẽ chăm ngoan để không phụ lòng cha mẹ.

HCMab.jpg

Học sinh trường THPT Nhân Việt với màu áo hải quân dự lễ khai giảng. Ảnh: Nguyễn Loan.

Chia sẻ về buổi lễ khai giảng, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng THPT Nhân Việt cho biết, trường mong muốn giáo dục học sinh về tình yêu tổ quốc, tình yêu cha mẹ, từ đó khơi dậy tinh thần học tập và sự phấn đấu của các em.

Năm nay TP HCM tăng gần 85.000 học sinh so với năm trước. Số học sinh tăng nhanh đã gây áp lực lên công tác quản lý và đào tạo của thành phố. Không gian học tập bị bó hẹp khiến nhiều em không được dự khai giảng. Một số trường như tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) phải làm lễ khai giảng ở tầng hầm.

Ở các tỉnh miền núi, đường xá đi lại khó khăn nhưng phụ huynh rất cố gắng để con em có một ngày khai giảng vui vẻ. Nhiều bà mẹ tại thôn Xuân Lũng (xã Bình Trung, Cao Lộc, Lạng Sơndậy sớm chèo bè mảng đưa con sang trường tiểu học xã Khánh Khê. 

Thôn Xuân Lũng chỉ cách trường tiểu học Khánh Khê khoảng một km, nhưng phải vượt sông Kỳ Cùng. "Năm 2003, chính quyền đã xây cầu từ Xuân Lũng sang Khánh Khê, nhưng đến 2007 huyện Văn Quan xây đập thủy nông khiến cầu ngập nước không thể lưu thông, vì thế học sinh phải đi bè mảng", một người dân giải thích. Ngày mưa, nước sông lên cao, học sinh đành nghỉ học.

langson_1441419493.jpg

Chị Vi Thị Thu (xã Bình Trung, Cao Lộc, Lạng Sơn) đưa con ra bè để sang sông đến khai giảng. Ảnh: Hồng Vân.

Bị thiệt hại nặng nề sau trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7 khiến gần một trăm hộ dân phường Mông Dương, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) mất trắng tài sản, nhiều gia đình phải di dời chỗ ở, tuy nhiên sáng 5/9 hơn 600 học sinh Trường tiểu học Mông Dương vẫn tựu trường đầy đủ.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tám cho biết, số học sinh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ là trên 40, trong đó nhiều em thuộc gia đình khó khăn. Để giúp đỡ các em, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ 70.000 quyển vở, đồ dùng học tập và tiền mặt.

Ngồi lọt thỏm ở hàng ghế cuối cùng, Cao Duy Tiệp lớp 5A3, nhà ở tổ 1 khu 4, nơi lũ bùn xỉ than vùi lấp toàn bộ nhà cửa, chia sẻ: “Đến trường rất vui, bố mẹ mới mua cho em vài bộ quần áo để đi học, còn đồ dùng học tập và quần áo đã bị vùi dưới bùn hết rồi. Sau mưa lũ, nhà không còn, hiện tại em và gia đình ở trọ cách trường 4 km”.

chamchu.jpg

Học sinh trường tiểu học Mông Dương trong lễ khai giảng. Ảnh: Minh Cương.

Trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm 2015-2016 toàn ngành giáo dục sẽ tập trung đổi mới quản lý, đổi mới từng phần chương trình phổ thông, tiến tới triển khai đại trà từ năm 2018. Việc giảm tải cho học sinh tiếp tục được thực hiện, loại bỏ phần nội dung trùng lặp, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho thí sinh và vẫn đảm bảo chất lượng.

Ghi nhận nỗ lực của ngành, trong thư gửi ngành giáo dục nhân năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở, Bộ cần nghiên cứu kỹ, tiếp thu góp ý của nhân dân, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội.

Với học sinh, Chủ tịch nước nhắn nhủ: "Các em là chủ nhân tương lai của đất nước, những người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Tôi mong các em tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, noi gương các thế hệ cha anh, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để mai này lập thân, lập nghiệp, trưởng thành, góp phần đưa đất nước ta sánh vai với bè bạn năm châu".

Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy 5/9 là ngày thống nhất tổ chức khai giảng ở tất cả trường học trên toàn quốc, thay vì mỗi địa phương, trường học chọn một ngày. Từ vài chục năm trước, 5/9 là ngày khai giảng, ngày tựu trường của học sinh toàn quốc sau 3 tháng nghỉ hè. Sau này, kỳ nghỉ hè của nhiều trường được rút ngắn, học sinh bước vào năm học từ tháng 8. Ngày khai giảng 5/9 chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng.

Năm học 2015-2016, cả nước có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên, trong đó có 4,4 triệu trẻ mầm non, 15 triệu học sinh phổ thông,
350.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,3 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.

Tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là 1,24 triệu, trong đó 270.000 ở cấp mầm non, 850.000 phổ thông, 11.000 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 91.000 giảng viên đại học, cao đẳng.

Ý kiến của bạn