Đề xuất chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia năm 2019 theo khu vực

Thứ bảy, 29/09/2018, 13:48 GMT+7
  • Chia sẻ tin này qua :
  • Chia sẻ qua Facebook
  • Chia sẻ qua Google+
  • Chia sẻ qua Twitter

Lãnh đạo ngành giáo dục ở một số địa phương đề xuất thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực, có thể chấm chéo giữa các địa phương.

Tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “hai trong một” - xét tốt nghiệp THPT và lấy đó làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ - mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.

Từ năm 2019, đề thi sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của THPT. Các trường ĐH, CĐ sử dụng hay không kết quả của kỳ thi là việc của trường. Không thể hiểu thuần túy “hai trong một” mà ép học sinh phải học và thi với cả hai mục tiêu. Đề thi sẽ chủ yếu căn bản là nội dung chương trình lớp 12.

Đề thi cũng phải làm thật nghiêm túc để căn cứ vào đó các trường ĐH, CĐ sử dụng hoặc sử dụng các phương thức khác tuyển sinh.

Trước dự kiến phương án thi năm 2019 như vậy, một số lãnh đạo, nhà giáo ở các địa phương đã có những ý kiến khác nhau về công tác chấm thi.

thi_thpt_quoc_gia_2018_1

Nên thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực

Đóng góp ý kiến để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được hiệu quả, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho biết Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia; tập trung bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra đề thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.

Cần công bố sớm nội dung chương trình thi THPT quốc gia năm 2019 ổn định như năm 2018 là có cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 nhưng cần xác định khối lượng chuẩn kiến thức lớp 11 để học sinh và giáo viên định hướng tốt hơn, giảm áp lực cho học sinh (học thêm, học trước chương trình...).

Bởi lẽ, mục đích chính của kỳ thi là để xét tốt nghiệp, nếu không cân đối tốt 2 mục tiêu này và nếu quá chú trọng vào mục đích của kỳ thi để xét tuyển ĐH kỳ thi vẫn sẽ gây nhiều áp lực đối với thí sinh và xã hội.

Về quy trình chấm thi, Bộ GD&ĐT nên thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực, quyết định thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm và phương án phân công chấm thi theo nhóm tỉnh hoặc khu vực do Bộ GD&ĐT ban hành và được bảo mật cho đến thời điểm phù hợp mới công bố (thời điểm công bố trước thời điểm bàn giao bài thi về địa điểm chấm không nhiều).

Tổ chấm trắc nghiệm tiếp nhận đề thi từ các hội đồng thi; cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm và lực lượng thanh tra, giám sát phải được cách ly hoàn toàn với bên ngoài kể từ lúc tiếp nhận bài thi từ các hội đồng thi (hoặc từ khi được tập trung; thời gian tập trung bao gồm thời gian tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi và thời gian chấm thi) đến khi công bố kết quả thi tạm thời.

Các nội dung khác vẫn giữ ổn định như kỳ thi năm 2018 nhưng có cải tiến ở một số khâu còn hạn chế được phát hiện như cải tiến phần mềm chấm trắc nghiệm, quy định bộ phận nhập điểm và kiểm dò điểm sau khi nhập.

Đối với bài thi tự luận, đề nghị vẫn giao cho địa phương chấm thi nhưng thống nhất tổ chức đánh phách 1 vòng và cách ly Ban làm phách hoàn toàn từ lúc làm nhiệm vụ đến lúc chấm xong bài thi cuối cùng (song song đó là tăng số lượng cán bộ chấm thi tự luận).

Ngoài ra, bộ cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở để có kỳ thi chất lượng. 

Nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi phải là ngưởi có tinh thần trách nhiệm cao; được tập huấn đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ. Cần đặc biệt quan tâm việc lựa chọn nhân sự, nhất là liên quan các bước của quy trình chấm thi.

Đó phải là người có tâm nghề nghiệp, luôn tâm huyết và tuân thủ những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp, nhận thức đúng về giá trị lao động, có ý thức chấp hành pháp luật tốt và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt quan trọng là vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để có giải pháp xử lý kịp thời.

Có thể chấm chéo nhưng phải tính kỹ việc di chuyển bài thi

Các phiếu trả lời trắc nghiệm có thể không nhất thiết phải đưa tất cả bộ môn tổ hợp vào một phiếu. Đó là đề xuất của ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng.

Thực tiễn làm công tác thi, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng thấy phần này cũng gây phiền toái cho giám thị giám sát, đồng thời là kẽ hở cho thí sinh. Có thể sau thời gian thi hết môn, các em hỏi bạn rồi vào môn thi thứ 2 lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa mà không giám sát được.

Với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác. Làm như vậy sẽ tạo thoải mái hơn cho giám thị và tạo nên tính nghiêm túc cho kỳ thi.

Về một số ý kiến cho rằng có nên chấm thi trắc nghiệm theo cụm, hoặc chấm chéo. ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật và Bộ GD&ĐT có thể chỉ đạo các sở GD&ĐT làm.

Việc chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung rất thuận lợi khi có đầy đủ cơ sở vật chất, chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kỹ thuật xử lý bài thi chéo nhau và yên tâm là kết quả chính xác. Thi trắc nghiệm cho kết quả chính xác, nếu không có sự can dự một cách có chủ ý của người làm công tác chấm thi.

Về bài thi tự luận, trước đây, một số năm tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh thành. Nay đảm bảo khách quan tuyệt đối, bộ trở lại việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. Vấn đề là cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý.

Để công tác coi thi, chấm thi diễn ra khách quan, nghiêm túc, ông Nguyễn Đình Vĩnh đề xuất đối với đội ngũ thanh tra ủy quyền của bộ, trong đó có thành viên từ trường đại học, cần phải tiếp tục nâng cao về nghiệp vụ, đặc biệt là ý thức trách nhiệm.

Chúng ta cần hiểu kỳ thi này không phải là của sở GD&ĐT mà của ngành giáo dục. Hiểu như thế để có sự cộng đồng trách nhiệm và nếu như có lỗi xảy ra thì phải cộng đồng chịu trách nhiệm về lỗi đó.

Nguồn: VOV

Ý kiến của bạn